Một đêm xem tuồng trên phố

|

NDO - NDĐT - Tối 26-7, cơn mưa bất chợt đổ xuống đã không làm đông đảo khán giả “ngưng” xem, ngược lại, những hình ảnh ấn tượng của các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiến Dĩnh trên sân khấu ngoài trời đã mang lại sự gần gũi, thân thương.

Đây là buổi biểu diễn tuồng thứ ba, kể từ tối 12-7, lần đầu tiên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện chương trình đưa nghệ thuật tuồng đất Quảng xuống phố nhằm làm cho di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đến gần hơn với công chúng và phục vụ du khách trong và ngoài nước. Chương trình sẽ diễn ra vào tối chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ 19 giờ 30 đến 21 giờ, từ nay đến hết tháng 9-2015.

19 giờ, nhiều cụ già, em nhỏ đã ra sâu khấu ngoài trời ngay dưới cầu sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) để chuẩn bị xem tuồng. Nhìn cảnh này, tôi chợt nhớ lại thời thơ ấu của mình khi cùng bà nội đi xem các đoàn văn công về diễn ở trung tâm huyện. Hồi đó, tôi cứ xách theo một chiếc ghế nhỏ, lẽo đẽo sau lưng bà để làm sao nhanh chọn được một chỗ ngồi gần… sân khấu. Còn bây giờ, giữa một không gian rộng mát bên sông Hàn, khi tiếng trống tuồng vang lên, không gian chừng như ngưng lại. Tôi quan sát quanh mình, nhiều em nhỏ cũng theo bà, theo mẹ ra xem các cô các chú múa, hát tuồng.

Rất đông khán giả ngồi xem tuồng trên phố, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài.

Cụ Nguyễn Thị Ngạn, 75 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, nói nhỏ với tôi: “Diễn tuồng như thế là hay và hấp dẫn lắm. Xưa bà mê tuồng, giờ còn thuộc khá nhiều trích đoạn. Được xem lại, nghe lại thế này, thấy rất vui”. Ngồi kế bên cụ Ngạn là con gái và cháu ngoại, chị cũng vui vì được xem tuồng ngoài trời, để tập hát tuồng trở lại. Như chị nói thì là người Đà Nẵng nhưng chưa khi nào vào đến Nhà hát tuồng Nguyễn Hiến Dĩnh để xem tuồng vì “ngại”, nhưng khi thấy Nhà hát mang tuồng ra phố, lúc đầu ra xem vì tò mò, nhưng sau hai đêm diễn thì đến đêm thứ ba chị lại cùng gia đình ra đây. “Nghệ thuật truyền thống phải tuyên truyền thật bình dân mới giữ lại được” - chị nói.

Nếu ở sân khấu nhà hát, khá giả và diễn viên, nghệ sĩ còn có khoảng cách, thì ở sân khấu ngoài trời này, mọi thứ ngược lại. Các nghệ sĩ tự trang điểm, vẽ mặt tuồng ngay tại sân khấu để cho khán giả xem, rồi hướng dẫn vẽ mặt tuồng và giao lưu cùng khán giả. Tại chương trình này, khán giả sẽ được xem miễn phí các tiết mục biểu diễn trên sân khấu như hòa tấu nhã nhạc cung đình, một số làn điệu dân ca Việt Nam và quốc tế, trích đoạn tuồng Ôn Đình chém tá, trích đoạn tuồng Kim Lân qua đèo, tiết mục nghệ thuật truyền thống trống trận Tây Sơn…

Đưa tuồng xuống phố nhằm quảng bá sâu rộng hơn bộ môn nghệ thuật bác học này đến với công chúng.

Sau mỗi tiết mục, từ phía dưới sân khấu, những tràng pháo tay cổ vũ các nghệ sĩ đồng loạt vang lên. Niềm vui của các nghệ sĩ cũng nhân lên gấp bội, quên hết mệt nhọc vì nghệ thuật.

Dẫu mới thử nghiệm được ba đêm và dư luận đang nhiều ý kiến khác nhau khi xem tuồng trên phố. Nhưng ghi nhận của tôi sau đêm diễn là sự hài lòng của những khán giả bình dân nhất dành cho các nghệ sĩ. Họ là những người dân thường, người lao động, sau một tuần làm việc, lại thả mình với nghệ thuật tuồng. Họ cảm nhận nghệ thuật tuồng bằng trái tim và sự gần gũi nhất, như xuất phát điểm cách đây mấy chục năm của tuồng xứ Quảng.

Hình ảnh đẹp của nghệ sĩ tuồng trên phố Đà Nẵng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa bổ sung 26 di sản văn hóa phi vật thể mới vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc ba loại hình: lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng là 1/26 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đó. Việc đưa tuồng xuống phố nhằm thay đổi cách tiếp cận, quảng bá tuồng đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là du khách trong và ngoài nước.